Tuesday, August 2, 2016

Nhật Bản cảnh cáo Trung Quốc trước những “gây hấn lãnh thổ”

Trong sách trắng quốc phòng Nhật Bản mới công bố hôm qua (2/8), Tokyo nhận định Bắc Kinh đang châm ngòi cho một cuộc xung đột với các đối thủ ở châu Á thông qua quan điểm hung hăng của nước này trong các vấn đề tranh chấp lãnh hải.
Lời tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc trên Biển Đông, cùng hành động ngang nhiên xây một loạt đảo nhân tạo hỗ trợ các hoạt động quân sự của nước này đã khiến dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ.
Trong sách trắng quốc phòng của mình, Tokyo tuyên bố, cường quốc trong khu vực này vẫn “tiếp tục hành xử với thái độ hung hãn” và hành động của Bắc Kinh “bao gồm các hoạt động nguy hiểm có thể gây ra những hậu quả không mong muốn”.
Bắc Kinh đang phải chịu áp lực từ phía cộng đồng quốc tế, buộc phải tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc đưa ra vào tháng trước, theo đó Trung Quốc không có quyền hợp pháp đối với những tuyên bố trên Biển Đông.
Sách trắng quốc phòng Nhật Bản cũng nhận định, “Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành các đòi hỏi đơn phương của mình mà không chịu thỏa hiệp”, bao gồm các nỗ lực “biến những thay đổi hiện trạng đó thành sự đã rồi”.
Và một lần nữa, Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của tòa án mà Bắc Kinh vẫn khăng khăng tuyên bố đó là một sự gian lận.

Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông bất chấp sự không hài lòng của Trung Quốc. Nguồn: Hải quân Mỹ

Ông Toàn “kêu gọi mọi người nhận thức được sự nghiêm trọng của tình hình an ninh quốc gia, đặc biệt là các mối đe dọa ngoài biển”, Tân Hoa Xã cho biết.Hãng thông tấn Trung Quốc trích lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này, ông Thường Vạn Toàn kêu gọi chuẩn bị “cho một cuộc chiến tranh nhân dân trên biển” để chống lại các mối đe dọa an ninh ngoài khơi cũng như bảo vệ chủ quyền.
Cũng theo hãng tin này, ông Toàn phát biểu trong chuyến thăm tỉnh Chiết Giang rằng quân đội, cảnh sát và người dân Trung Quốc cần phải chuẩn bị để huy động nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Trong khi đó, Hoa Kỳ khẳng định vẫn tiếp tục tuần tra hàng hải gần các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Trong sách trắng quốc phòng, Nhật Bản cũng bày tỏ sự quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động ở Biển Hoa Đông, nơi cả hai nước cũng đang có những tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku.
“Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động gần quần đảo Senkaku, như việc đưa máy bay quân sự tới gần khu vực phía Nam của đảo”, sách trắng tiết lộ.
Vào tháng 3/2016, lực lượng không quân Nhật Bản đã ghi nhận được 571 lần máy bay Trung Quốc bay gần sát không phận của nước này, tăng 107 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
“Những lời lẽ thiếu trách nhiệm”
Phản bác lại sách trắng quốc phòng Nhật Bản, kênh truyền hình trung ương Trung Quốc cho biết Bắc Kinh phản đối kịch liệt những tuyên bố trong bản đánh giá thường niên của Tokyo.
Tân Hoa Xã cũng có bài viết chỉ trích sách trắng quốc phòng Nhật Bản và cáo buộc Tokyo đã “đưa ra những lời nhận xét thiếu trách nhiệm về quốc phòng Trung Quốc cũng như các hoạt động hàng hải hợp pháp và thông thường của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Bắc Kinh đã khiến tình hình thêm căng thẳng sau khi đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Hoa Đông năm 2013, yêu cầu tất cả các máy bay phải đăng ký lịch trình bay tại khu vực này, trong đó bao gồm cả khu vực đảo tranh chấp với Tokyo và Đài Loan.
Bộ trưởng Quốc phòng mỹ Ashton Carter hồi tháng 2 cho biết sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông  càng làm gia tăng nguy cơ “hiểu lầm và xung đột”.
Và căng thẳng cũng gia tăng trên quần đảo Natuna của Indonesia khi các tàu đánh cá của Indonesia và Trung Quốc va chạm.
Sách trắng quốc phòng nhật Bản cũng nhấn mạnh những mối lo ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cho rằng “rất có thể Bình Nhưỡng đã đạt được kỹ thuật thu nhỏ đối với vũ khí hạt nhân và phát triển được đầu đạn hạt nhân”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Defense News, một tạp chí ra đời vào năm 1986, chuyên cung cấp những tin mới nhất cũng như các bài phân tích về các chương trình, chính sách, hoạt động và công nghệ quốc phòng.
Tuệ Minh (lược dịch)

0 comments:

Post a Comment