Thursday, August 25, 2016

Hà Nội: Quá tải bãi rác, 1.000 làng nghề xả thải ra sông

Đó là thông tin được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường.
Báo động ô nhiễm không khí, nước ngầm
Ngày 24/8, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường, báo cáo về tình hình môi trường trên địa bàn Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP mới đạt 98%, chất thải sinh hoạt đạt 95%, chất thải công nghiệp thông thường đạt 85%, chất thải xây dựng đạt 100% (tuy nhiên chất thải xây dựng thì 60% được đưa vào các bãi chôn lấp còn lại là lẫn vào trong xử lý với rác thải sinh hoạt).
Ngoài ra, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước ngầm trên địa bàn TP đều vượt tiêu chuẩn cho phép. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường.

Về xử lý nước thải trong các KCN, hiện TP đã xây dựng được 10/10 trạm xử lý nước thải tại các KCN. Tuy nhiên chất lượng xử lý nước thải KCN có lúc vẫn chưa đạt so với tiêu chuẩn. 

“Ô nhiễm tại các ao hồ và các hồ chứa nước trên địa bàn 2 xã Nam Sơn và Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) hiện nay đang ở mức báo động, các chỉ số về BOD, COD, Sắt, Măng-gan.. đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Nước thải của hơn 1.000 làng nghề và nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư đổ ra các sông Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ… hoàn toàn chưa được xử lý. TP đang từng bước khắc phục” – Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết.

Nước thải chưa qua xử lý đổ ra sông gây ô nhiễm nghiêm trọng (Ảnh minh họa, nguồn: báo TN&MT)

Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cho biết thêm, với chất thải rắn, thành phố được mở rộng và đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ vì thế khối lượng chất thải xây dựng ngày càng gia tăng gây nên tình trạng quá tải các bãi đổ thế thải xây dựng. Theo dự báo đến năm 2020 tổng lượng chất thải của toàn thành phố là 14.150 tấn/ngày đêm; đến năm 2030 là 18.900 tấn/ngày đêm và đến năm 2050 là 25.380 tấn/ngày đêm.
“Hiện nay, các bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung cấp Thành phố đã sắp đầy trong khi đó các bãi chôn lấp cấp huyện vẫn đang trong gia đoạn đầu tư xây dựng. Ô nhiễm môi trường không khí và ô nhiễm nước mặt, nước ngầm tại các khu vực chôn lấp chất thải rắn hiện đang có xu hướng gia tăng” – ông Nguyễn Đức Chung cho biết.
Thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng đó là do cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế; sự quan tâm, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan còn chưa đúng mức, chưa tạo được sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ các cấp. Việc lồng ghép vấn đề môi trường, bảo tồn thiên nhiên trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển trước đây chưa được chú trọng, thường xuyên dẫn đến ô nhiễm môi trường cục bộ một số nơi, đặc biệt là ô nhiễm do bụi. Ngoài ra, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, chồng chéo.
Trong khi đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên thiên nhiên nhiều cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa cao, chưa có ý thức chấp hành luật bảo vệ môi trường, luật tài nguyên nước, luật khoáng sản, không đầu tư xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm, ý thức bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học của người dân chưa cao. Đặc biệt, bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ TP đến quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn còn thiếu và yếu, thậm chí kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Giảm thiểu ô nhiễm bằng cách nào?
Trước những tồn tại này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, thời gian qua, công tác xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn luôn được TP hết sức quan tâm. 
Theo đó, thực hiện Quyết định 64 của Chính phủ, TP đã hoàn thành 25/25 cơ sở xử lý ô nhiễm môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ, xử lý 3/3 cơ sở ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng. TP cũng đã kiểm tra được 184 đơn vị gây ô nhiễm môi trường và khắc phục, xử lý hoàn toàn được 47 đơn vị.
Cùng với đó, TP đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn như: triển khai kêu gọi xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; đẩy mạnh tiến độ các dự án xử lý nước thải; bổ sung công suất dự án xử lý nước thải Hồ Tây; triển khai hợp tác với các công ty của Đức trong xử lý ô nhiễm ao hồ trên địa bàn TP theo công nghệ mới; rà soát và đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý nước thải tại các KCN; triển khai trồng cây xanh kết hợp với giải pháp cơ giới hóa thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác sinh hoạt và quản lý chặt chẽ xe chở vật liệu xây dựng để giảm ô nhiễm môi trường không khí; đẩy nhanh tiến độ lập dự án xử lý rác thải theo công nghệ đốt rác và phát điện; quy hoạch bổ sung các điểm xử lý rác thải trên địa bàn; xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ô nhiễm môi trường không khí; tăng cường thanh tra, kiểm tra ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất.

Khói bụi, ô nhiễm môi trường đang bủa vây người dân Thủ đô (ảnh minh họa)

Ngoài ra, nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 thay thế cho Nghị định 179 năm 2013 để các địa phương có căn cứ pháp lý xử lý các cơ sở vi phạm về môi trường.
“Bộ TN&MT cần khẩn trương ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể các định mức kinh tế kỹ thuật của ngành, định mức kinh phí cho hoạt động quản lý, quan trắc phân tích môi trường như: Đa dạng sinh học và an toàn sinh học; Quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chú trọng vào nội dung hướng dẫn để các địa phương thực hiện quan trắc, phân tích các chỉ tiêu quan trọng, bắt buộc đối với các cơ sở gây ô nhiễm vừa đảm bảo tiết kiệm kinh phí phân tích vừa đáp ứng được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường); 
Quy định trình tự, thủ tục đăng ký, kiểm kê khí thải công nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải công nghiệp, cấp giấy phép xả khí thải công nghiệp, xây dựng các cơ sở dữ liệu về khí thải công nghiệp; Quy định cụ thể hơn về điều kiện cần phải có khi tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động của môi trường, đặc biệt là yêu cầu về hồ sơ, tài liệu dự án đi kèm để xác định đủ điều kiện thẩm định đánh giá tác động của môi trường cho dự án. Đồng thời, Bộ TN&MT nghiên cứu thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành môi trường từ cấp trung ương đến cấp tỉnh/thành phố, cấp quận/huyện nhằm tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường” – ông Nguyễn Đức Chung kiến nghị.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị Bộ TN&MT rà soát giảm bớt các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, tăng cường phân cấp nhiều hơn nữa cho các địa phương để việc quản lý môi trường được thuận lợi hơn; Bộ Y tế, Công an, Xây dựng, GTVT tập trung đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải đạt quy chuẩn tại các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc đóng trên địa bàn TP. 
Ngoài ra, Chủ tịch TP Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ bổ sung ngân sách cho Hà Nội để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án đưa nước về sông Tích nhằm cải tạo nguồn nước và có cơ chế đặc thù cho Hà Nội được quyền phê duyệt đối với các dự án xử lý nước thải ra sông Nhuệ.
N. Huyền

0 comments:

Post a Comment