Thursday, August 4, 2016

Công tác bổ nhiệm cán bộ có lỗ hổng nên “con voi chui lọt lỗ kim”

“Thủ tướng đã xác định chỉ bổ nhiệm người tài, không được chọn người nhà. Việc này quan điểm rất rõ ràng nhưng các vị cứ tranh thủ lúc thực quyền, lợi dụng chức quyền đưa người nhà vào…”, ông Lê Văn Cuông, ĐBQH khóa 11, 12 đoàn Thanh Hóa nói.
- Dư luận đang xôn xao việc Phó Bí thư tỉnh ủy Bình Định bổ nhiệm một số người thân vào vị trí lãnh đạo. Hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc kiểm tra, quan điểm của ông về việc này thế nào?
Ông Lê Văn Cuông: Việc này Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang vào làm việc thì phải xem kết quả thế nào. Việc này, như lâu nay vẫn nói hay như hôm qua khi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng cũng đã nói là tìm người tài chứ không tìm người nhà. Dư luận và các đồng chí lãnh đạo đã phê phán tình trạng người nhà rồi, có khi bổ nhiệm 'cả họ làm quan'.
Vấn đề này là một tệ nạn đang hoành hành, người dân rất phản ứng. Nếu như vị lãnh đạo nào không thấy được sai mà cứ lợi dụng chức quyền để tiếp tục đưa người nhà vào bộ máy nhà nước thì sẽ bị trả giá, không thể trốn tránh được trách nhiệm.
Nếu như các cơ quan chức năng của Trung ương vào kiểm tra làm rõ vấn đề này thì chắc chắn dư luận sẽ có thông tin cụ thể để phân biệt đúng sai và sẽ tỏ thái độ phản ứng phù hợp.
Nếu thông tin đó là chính xác, tôi nghĩ đây cũng là tình trạng “cố đấm ăn xôi”, dư luận, báo chí, người dân lên án rất nhiều về tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân vào các cơ quan nhà nước mấy năm nay rồi.
Nhất là gần đây Thủ tướng đã xác định chỉ bổ nhiệm người tài thôi, không được chọn người nhà. Việc này quan điểm rất rõ ràng nhưng các vị cứ tranh thủ lúc thực quyền, lợi dụng chức quyền đưa người nhà vào thì các cơ quan chức năng phải kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm chứ không thể để tình trạng này xảy ra phổ biến ở nhiều nơi thì rất nguy hiểm.

Ông Lê Văn Cuông, ĐBQH khóa 11, 12 đoàn Thanh Hóa

Đây là một thực tế xảy ra nhưng rất đáng tiếc chế tài của ta xử lý chưa mạnh và làm kịp thời cho nên chưa có tính răn đe, ngăn chặn. Cùng lắm là rút kinh nghiệm với này khác. Đây là nguyên nhân dẫn đến “nhờn thuốc” vì chế tài không mạnh.-  Như ông nói thông điệp của Thủ tướng rất rõ ràng, vậy tại sao gần đây báo chí liên tục đưa tin về việc bố bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ hay bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo?
Vì vậy, đứng trước lợi ích của một bộ phận cán bộ, người ta thấy rằng, cơ hội, thời cơ đến người ta sẽ xử lý một cách nhanh chóng trước khi về hưu. Cùng lắm là kiểm điểm rút kinh nghiệm thôi nhưng người ta sẽ được rất nhiều lợi ích cho nên để mà ngăn chặn được tình trạng này và làm bài học cho những người đang có ý định, muốn như vậy thì phải có một chế tài mạnh mẽ, xử lý nghiêm khắc.
Phải xử lý kỷ luật người ra quyết định và những người không nằm trong diện được đề bạt nhưng được bổ nhiệm thì phải phế truất luôn, tước bỏ chức vụ. Chứ không thể đang trong lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ” tranh thủ làm “chuyến tàu vét”, bổ nhiệm ồ ạt, hàng loạt người thân, những người cần trả ơn để về hưu, hạ cánh an toàn thì không thể được.
Bây giờ tệ nạn này đang phát triển rất mạnh mà mình không có giải pháp để ngăn chặn thì nói một đường họ làm một nẻo, cuối cùng cũng không giải quyết được vấn đề gì, làm mất niềm tin của người dân.
- Ông cho rằng việc bổ nhiệm người thân hiện nay đang diễn ra rất tràn lan. Vậy làm sao để có thể tìm được đúng người tài theo quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng?
Thực tế đang xảy ra như thế, vấn đề là các cơ quan chức năng phải vào cuộc tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao, lỗ hổng của cơ chế thế nào dẫn đến tình trạng lợi dụng như vậy để ngăn chặn. Tức là "ông quy trình" lâu nay đã làm hại đất nước rồi thì giờ phải xử “ông quy trình” này như thế nào chứ không thể để ông ngồi to đùng đó để che lấp “nhóm lợi ích” thì không được. “Nhóm lợi ích” lấp sau “ông quy trình” này để làm bậy. Bây giờ phải lật tẩy “ông quy trình” ra xử nghiêm khắc để lòi ra “nhóm lợi ích”.
Nói như vậy để thấy rằng, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ của mình có lỗ hổng rất lớn nên "con voi chui lọt lỗ kim". Bây giờ các cơ quan chức năng phải thay đổi ngay.
Trong việc tuyển dụng, luân chuyển phải chống việc chạy chọt, chống những cơ chế để đưa người nhà vào bộ máy nhà nước. Trên cơ sở đó phải có cơ chế để phát hiện người tài.
Hiện có rất nhiều người tài chưa “lộ diện” đứng ra để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, phải ngăn chặn và xử lý những trường hợp lợi dụng chức quyền để đưa người nhà không đủ tiêu chuẩn hoặc người thân, những người có tiền chạy chọt vào bộ máy nhà nước, để họ không còn con đường nào thăng tiến một cách bất hợp pháp và tiêu cực được. Vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng có một cơ chế để xử lý công tác cán bộ cho phù hợp với tình hình hiện nay.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Xuân Tùng (thực hiện)

0 comments:

Post a Comment