Sunday, July 31, 2016

Những chính sách có hiệu lực từ 1/8/2016

Tăng mức phạt nhiều lỗi vi phạm giao thông; Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Điều chỉnh mức lương cơ sở theo ngạch, bậc, chức vụ… là những chính sách có hiệu lực từ 1/8 này.
Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Tại Thông tư liên tịch 9/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC có hiệu lực từ 1/8/2016, Liên Bộ LĐTB&XH và Bộ Tài chính đã quy định một số mức hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP.
Theo đó, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ tùy từng khóa học và thời gian học thực tế nhưng tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người chi phí khám sức khỏe theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh thực tế của cơ sở y tế được cấp phép khám sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ giải quyết theo mức quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 3 của Quyết định 144/2007/QĐ-TTg trong trường hợp người lao động gặp phải các rủi ro khi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, người lao động còn nhận được nhiều hỗ trợ khác như: chi phí đi lại, tiền ăn, chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài.
Điều chỉnh mức lương cơ sở theo ngạch, bậc, chức vụ
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 103/2016/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 47/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ, điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 55/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ.
Theo đó, nhu cầu kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở được xác định căn cứ vào mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương theo chế độ quy định (không kể tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và các khoản phụ cấp được quy định bằng mức tuyệt đối).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2016.

Từ 1/8 này, nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ được tăng mức phạt cao gấp đôi.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8, nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ được tăng mức phạt.  Cụ thể, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô thực hiện hành vi vi phạm, tịch thu giấy phép lái xe từ một đến ba tháng: Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên. Theo quy định hiện hành, hành vi vi phạm trên chỉ bị phạt đến 800.000 đồng và tịch thu giấy phép một tháng.Tăng mức phạt nhiều lỗi vi phạm giao thông
Tăng mức phạt tiền lên 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ (quy định cũ từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng).
Tăng mức phạt tối thiểu từ 4 triệu lên 5 triệu đồng (phạt từ 5 triệu đến 6 triệu đồng) đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/giờ đến 35 km/giờ; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Căn hộ nhà ở xã hội có diện tích tối thiểu 25 m2
Từ ngày 15/8, mỗi căn hộ, căn nhà xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua phải đảm bảo các tiêu chuẩn: Diện tích căn hộ tối thiểu là 25 m2; diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10 m2;
Chiều rộng thông thủy không dưới 2,4 m, chiều cao thông thủy chỗ thấp nhất không dưới 2,7 m; phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và ánh sáng tự nhiên; mái nhà không được lợp bằng vật liệu dễ cháy và bảo đảm không bị thấm dột…
Khu đất xây dựng nhà ở xã hội phải phù hợp với quy hoạch xây dựng; không thuộc khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, bãi rác, nghĩa trang; không lấn chiếm đất công và không có tranh chấp về đất đai.
Thông tư 20/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8 quy định.
Nhà thầu phải từ chối xây dựng công trình sai với thiết kế
Cũng từ ngày 15/8, nhà thầu xây dựng phải thi công đảm bảo chất lượng theo thiết kế đã được phê duyệt và giấy phép xây dựng.
Nhà thầu phải từ chối thực hiện khi công trình không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng hoặc khi chủ đầu tư yêu cầu xây dựng sai với thiết kế và nội dung giấy phép xây dựng được cấp và thông báo cho cơ quan có trách nhiệm khi chủ đầu tư yêu cầu xây dựng không đúng với thiết kế, nội dung giấy phép xây dựng được cấp; bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Thông tư 15/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng, có hiệu lực từ ngày 15/8 quy định.
Ưu đãi thuế nhập khẩu cho dự án tại địa bàn đặc biệt khó khăn
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 83/2016/TT-BTChướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP.
Theo đó, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư quy định tại mục A Phụ lục I hoặc thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục II Nghị định 118/2015/NĐ-CP được áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu.
Mức ưu đãi như sau: miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định tại Khoản 6, Khoản 8 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP; nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư (trừ những dự án sản xuất không được ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 (năm) năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/8/2016.
In hóa đơn không ký hợp đồng bị phạt đến 1,5 triệu
Theo Nghị định số 49/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/8/2016, mức phạt đối với hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng bằng văn bản sẽ giảm từ 2 - 4 triệu đồng xuống còn từ 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng.
Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo tổ chức, doanh nghiệp đó không đủ điều kiện đặt in hóa đơn sẽ bị phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng; đồng thời buộc phải hủy các hóa đơn đã đặt in không đúng quy định.
Bên cạnh đó, cá nhân không thông báo bằng văn bản cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp phải thông báo giá; áp dụng mức giá kê khai, đăng ký không đúng thời hạn sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.
Trường hợp không kê khai giảm giá phù hợp với biến động giảm giá; không kê khai giá đúng thời hạn theo văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, mức phạt tiền dao động từ 5 - 10 triệu đồng.
Lãi suất với tiền lãi vay chậm trả giữa các ngân hàng tối đa 10%/năm
Có hiệu lực từ ngày 22/8/2016, Thông tư số 18/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định lãi suất cho vay giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tự thỏa thuận.
Riêng lãi suất đối với dư nợ gốc quá hạn phải đảm bảo tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn; lãi suất áp dụng đối với số tiền lãi vay chậm trả không được quá 10%/năm.
Một nội dung đáng chú ý khác của Thông tư này là bổ sung ngân hàng chính sách vào danh mục các đơn vị được mua, bán có kỳ hạn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; trái phiếu Chính phủ; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; trái phiếu chính quyền địa phương; giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành và các loại tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu do tổ chức khác phát hành.
Như vậy, từ ngày 22/8/2016, các đơn vị được mua, bán có kỳ hạn các loại giấy tờ có giá nêu trên bao gồm: Ngân hàng thương mại; Công ty tài chính; Ngân hàng chính sách; Ngân hàng hợp tác xã; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Vạn Xuân

0 comments:

Post a Comment