Friday, August 26, 2016

Trung Quốc "có mơ" mới tiếp tục xây được đập thủy điện ở Myanmar

Dự án xây đập Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD bị trì hoãn từ năm 2011 song Trung Quốc vẫn đau đáu hy vọng chính phủ Myanmar suy nghĩ lại để đảm bảo danh tiếng quốc gia cũng như an ninh năng lượng cho Bắc Kinh.
Chuyến thăm kéo dài từ ngày 17 – 21/8 tới Bắc Kinh của bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar là dấu hiệu cải thiện mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Trung Quốc và Myanmar. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa giải quyết được những bất đồng về dự án xây dựng đập thủy điện Myitsone, nguyên nhân gây ra căng thẳng quan hệ song phương cách đây 5 năm sau khi chính phủ Myanmar tuyên bố trì hoãn dự án. 

Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. 

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), uy tín quốc gia và an ninh năng lượng là hai trong số những mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc trong chuyến thăm của bà Aung Suu Kyi tới Bắc Kinh.
Vậy tại sao Trung Quốc lại muốn dự án xây đập Myitsone tại Myanamar được nối lại? Dưới đây là 3 lý do chính giải thích cho khát vọng của Trung Quốc. 
Thứ nhất: Lo sợ danh tiếng bị hủy hoại

Việc trì hoãn dự án đập Myitsone trị giá 3,6 tỷ US, một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Trung Quốc vào Myanmar, đã khiến quan hệ hai nước bị đóng băng. Theo truyền thông Trung Quốc, quyết định đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone của cựu Tổng thống Thein Sein vào đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc hồi năm 2011, là “cú tát trời giáng” vào Bắc Kinh và "làm tổn hại tới cảm xúc của nhân dân Trung Quốc". Trong khi đó, giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào đã đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này.
Là một phần trong dự án xây dựng 7 đập thủy điện lớn trên sông Irrawaddy, con sông lớn nhất của Myanmar, đập Myitsone được ông Hồ Cẩm Đào và Than Shwe lần đầu tiên đề cập tới vào năm 2005. Vào đầu năm 2009, kế hoạch xây dựng dự án này đã được "bật đèn xanh" trong chuyến thăm Myanmar của Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Lý Trường Xuân.
Tuy nhiên, số phận của đập Myitsone lại rơi vào cảnh tương tự như nhiều con đập từng được lên kế hoạch xây dựng ở đầu nguồn sông Salween hay còn gọi là sông Nu ở Trung Quốc. Vấp phải sự phản đối của dư luận về những tác động xấu tới môi trường, Bắc Kinh đã buộc phải ngừng kế hoạch xây đập trên sông Nu trong hơn một thập niên qua. Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng và đầu tư mạnh mẽ vào các cơ sở hạ tầng, nhiều tin đồn cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ cho nối lại các dự án xây đập thủy điện trên sông Nu. 

Dự án xây đập Myitsone tại Myanmar bị trì hoãn từ năm 2011. 

Thứ hai: An ninh năng lượng bị đe dọa
Mynamar, quốc gia giàu tài nguyên được coi là giải pháp thay thế để Trung Quốc giải quyết vấn đề mà cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng gọi là "thế tiến thoái lưỡng nan Malacca" hồi năm 2003.
Hiện tại, Trung Quốc đang phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu dầu từ Trung Đông và châu Phi, vốn phục vụ hơn 60% nhu cầu sử dụng năng lượng trong nước. Trong đó, gần 80% lượng dầu nhập khẩu đi qua eo biển Malacca. Việc phụ thuộc vào eo biển Malacca đã làm lộ “điểm yếu” của Trung Quốc nếu phương Tây tìm cách kiểm soát hoạt động giao thương trên biển đi qua eo biển Malacca và Biển Đông. Đây là lý do vì sao Trung Quốc tăng cường các hành động tranh giành chủ quyền trên Biển Đông cũng như mạnh tay đầu tư vào Myanmar để giúp nước này nâng cấp hệ thống cầu đường, hải cảng và đập thủy điện nhằm tiếp cận dễ dàng hơn tới những mỏ dầu và khí đốt tại quốc gia Đông Nam Á này. 
Ông Du Jifeng, chuyên gia tới từ Viện Nghiên cứu Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định: "Không  giống như các quốc gia Đông Nam Á khác, Myanmar giàu nguồn năng lượng tự nhiên như khoáng sản quý, dầu mỏ và trữ lượng khí đốt ngoài khơi. Vị trí địa lý chiến lược của Myanmar giúp Trung Quốc tiếp cận được với Ấn Độ Dương. Điều này khiến Myanmar trở nên quan trọng hơn trong chiến lược ngoại giao năng lượng của Bắc Kinh”.
Chính nhờ mối quan hệ đặc biệt với Myanmar, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất và đối tác thương mại hàng đầu của quốc gia Đông Nam Á này. 
Trong 20 năm qua, 3 công ty dầu mỏ hàng đầu của Trung Quốc đã cho triển khai hàng chục hợp đồng lớn. Điển hình, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã xây dựng một đường ống dẫn khí đốt nối khu vực bờ biển phía tây Myanmar trên vịnh Bengal tới tỉnh Vân Nam. Sau khi dự án xây dựng trị giá hàng triệu USD này hoàn thành vào năm 2013, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,87 ngàn tỷ m3 khí đốt từ Myanmar ngay trong năm đầu tiên đường ống đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, kể từ khi quá trình chuyển giao dân chủ bắt đầu ở Myanmar cách đây 5 năm, các lợi ích kinh tế của Trung Quốc đã gặp trở ngại lớn, trong khi các dự án năng lượng và xây đập thủy điện bị đình chỉ. "Trung Quốc có nhiều dự án dang dở ở Myanmar. Dù tuần trăng mật trong mối quan hệ song phương đã kết thúc nhưng Trung Quốc không dễ dàng từ bỏ Myanmar vì những vấn đề chiến lược quan trọng", ông Du nói.
Giới phân tích cho rằng thất bại trong một dự án mang tính biểu tượng như đập thuỷ điện Myitsone có thể phủ bóng lên những tham vọng của Trung Quốc trong quá trình mở rộng tầm ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế trong khu vực. Bởi đập Myitsone được kỳ vọng cung cấp tới 90% sản lượng điện cho Trung Quốc. 

Người dâm Myanmar biểu tình phản đối xây dựng đập Myitsone. 

Thứ ba: Cạnh tranh về địa chính trị
Myanmar được coi là điểm nóng cạnh tranh giữa Trung Quốc với Mỹ và các cường quốc châu Á khác như Ấn Độ và Nhật Bản. Myanmar, quốc gia có đường biên giới dài 2.200 km với Trung Quốc, còn được xem là vùng đệm chiến lược giữa Trung Quốc với Ấn Độ kể từ những năm 1950. Trong khi đó, Myanmar hiện là cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương thì New Delhi coi đồng minh truyền thống Myanmar là cầu nối cho chính sách "Hướng Đông" của mình.
Giới truyền thông Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại về quyết định của bà Suu Kyi khi chọn Trung Quốc là điểm công du đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar đồng thời cảnh báo mối quan hệ đang ấm dần lên giữa Trung Quốc và Myanmar sẽ tác động tới những lợi ích an ninh của Ấn Độ. Trong khi đó, Nhật Bản, quốc gia từng cắt nguồn viện trợ cho Myanmar dưới sức ép của Mỹ, cũng đã nhanh chân nối lại quan hệ kinh tế và ngoại giao với Myanamar kể từ khi chính phủ dân sự lên nắm quyền.
Hồi đầu năm nay, tờ Thời báo Hoàn cầu nhận định chính sách ngoại giao có định hướng của Nhật Bản đã giúp nước này tạo được dấu ấn lớn ở Myanmar kể từ năm 2011. Theo đó, trong những năm gần đây, nguồn viện trợ và đầu tư của Nhật Bản cho Myanmar đã tăng đều với số lượng công ty Nhật Bản hoạt động ở nước này cũng tăng gần gấp 6 lần lên 300 công ty trong 5 năm qua.
Dù Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Myanmar, với khoản đầu tư trực tiếp cho 26 dự án kinh doanh trị giá hơn 15 tỷ USD trong tháng Hai năm nay, song tổng số vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tại Myanmar đã giảm từ mức hơn 80% xuống 50% trong năm nay.
Dù lệnh trừng phạt kinh tế và quân sự của Mỹ với Myanmar vẫn có hiệu lực, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Myanmar, với hơn 12 tỷ USD trong 122 dự án kinh doanh. Điều đó cho thấy các "đối thủ" của Trung Quốc đang hoạt động tốt tại Myanmar kể từ khi chính phủ của bà Suu Kyi lên nắm quyền.
Một số báo cáo cho rằng Nhật Bản và Ấn Độ, hai quốc gia gần đây đẩy mạnh tăng cường hợp tác an ninh và ngoại giao trước mối quan ngại chung về Trung Quốc, đang cân nhắc theo đuổi những lợi ích chiến lược chung tại Myanmar. Những dự án chung này có thể không còn nhắm tới lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng mà chuyển sang khía cạnh "quyền lực mềm", như xây dựng thể chế và phát triển các tài sản văn hoá.
Nhưng hơn hết, việc dự án xây đập thuỷ điện Myitsone bị đình chỉ cho thấy những rắc rối mà các công ty xây dựng và năng lượng Trung Quốc vấp phải khi đầu tư ra nước ngoài. 
Đầu năm 2014, tờ Nhân dân Nhật báo cho biết Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 700 triệu nhân dân tệ cho dự án xây đập Myitsone vào thời điểm nó bị đình chỉ. Trong khi đó, tờ The Mirror của Myanmar dẫn lời Đại sứ Trung Quốc Hong Liang nói rằng Myanmar có thể sẽ phải đền bù 800 triệu USD nếu dự án bị huỷ bỏ và sẽ cần trả 50 triệu USD tiền lãi mỗi năm trước khi hoạt động xây dựng đập Myitsone được nối lại. Đại sứ Hong cũng lưu ý nếu dự án tiếp tục được triển khai, Myanmar có thể thu về 500 triệu USD lợi nhuận một năm khi đập thuỷ điện Myitsone đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng trong thời điểm chủ nghĩa dân tộc đang sôi sục ở Myanmar, dự án xây dựng đập thuỷ điện Myitsone sẽ khó được hồi sinh. Việc các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Myanmar trong thời gian bà Suu Kyi ở thăm Bắc Kinh, sẽ khiến nhà lãnh đạo Myanmar không thể đáp ứng yêu cầu từ phía Trung Quốc.
Đập Myitsone chỉ là một trong hàng chục dự án xây dựng đập thuỷ điện bị đình chỉ ở Myanmar từ năm 2011. Nguyên nhân xuất phát từ những quan ngại về tác động xấu tới môi trường, mong muốn của người dân địa phương, thiếu minh bạch trong các dự án xây dựng đập thuỷ điện trên con sông chảy qua biên giới hai nước và các điểm nóng chính trị khác. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc khiến người dân nước sở tại có cảm giác bị mất đi cơ hội kinh doanh. Đây là lý do Bắc Kinh trở thành tiêu điểm của hàng loạt cuộc tranh cãi trong những năm gần đây.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tờ báo tiếng Anh đầu tiên của Hong Kong. Ấn bản đầu tiên của tờ báo này được phát hành vào ngày 6/11/1903.

Minh Thu (lược dịch)

Tại sao không làm sạch biển miền Trung ngay thay vì đợi hồi phục?

Thay vì cứ khẳng định biển đang dần phục hồi, sao không đưa phương án xử lý biển ngay? Formosa đã sử dụng bao nhiêu hóa chất để gây ra thảm họa môi trường biển? Vùng biển phía bắc Hà Tĩnh (từ hòn Sơn Dương trở ra) có an toàn hay không?...
Đó là những câu hỏi được đặt ra tại Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế ngày 26/8 tổ chức tại Hà Tĩnh.

Nhiều câu hỏi đặt ra về vấn đề môi trường biển miền Trung

Phải chủ động giám sát nguồn thải
Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có sự tham gia lãnh đạo nhiều bộ, ngành, các nhà khoa học lớn trên cả nước. Hội nghị tập trung vào thông tin kết quả điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.


Tại hội nghị, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thông tin tình hình khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, cũng như công tác kê khai, xác định thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng; kiểm soát chất lượng môi trường tại Khu kinh tế Vũng Áng và Dự án Formosa.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để đảm bảo chắc không xảy ra sự cố môi trường biển do chất thải từ Formosa, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và cập nhật dữ liệu trực tuyến 24/24 giờ hàng ngày về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát theo quy định. Phải chủ động giám sát chặt chẽ nguồn thải  của Formosa.
Ông Hoàng Văn Thức – Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cũng nhấn mạnh: “Đối với kiểm soát rác thải của Formosa ra biển, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập đoàn giám sát để giám sát toàn bộ quy trình xả thải của Formosa; Yêu cầu Formosa thực hiện nghiêm cam kết đã ký với Bộ TN&MT và khắc phục toàn bộ sự cố môi trường do Formosa gây ra.
Hiện tại, có 6 cán bộ trực tiếp giám sát tại Formosa, trong đó có 3 cán bộ của Bộ TN&MT và 3 cán bộ của tỉnh Hà Tĩnh. Về máy móc, bắt đầu từ 22/7 có lắp hai trạm quan trắc tự động, một trạm tại khu xử lý nước thải sinh hóa, một trạm tại khu xử lý nước thải công nghiệp".
Làm sạch biển như thế nào?
Đó là câu hỏi đáng quan tâm nhất tại hội nghị. Đặc biệt là sau khi Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tại Quảng Trị vào ngày 22/8. Tỉnh Hà Tĩnh đề xuất với Bộ TN&MT tổ chức tại Hà Tĩnh hội nghị này để cán bộ và người dân được trực tiếp nghe và chất vấn những vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển vừa qua và được Bộ TN&MT chấp thuận.
Sau phần thông tin các kết quả điều tra, quan trắc hiện trạng môi trường biển như đã công bố tại Quảng Trị của GS.TS Mai Trọng Nhuận, Trưởng nhóm điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra, rất đông cán bộ và người dân Hà Tĩnh đã đưa ra những câu hỏi "nóng" như: Tại sao các nhà khoa học không đưa ra phương án xử lý biển ngay mà cứ cho rằng biển đang tự phục hồi? Formosa đã sử dụng bao nhiêu hóa chất để gây ra thảm họa Formosa? Vùng biển phía bắc Hà Tĩnh (từ hòn Sơn Dương trở ra) có an toàn hay không?...

Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung sáng ngày 26/8

PGS.TS Trịnh Văn Tuyên - Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết,  tại Formosa, hiện hoạt động một lò cốc mỗi ngày sản xuất 2.000 tấn cốc, trong đó 1 tấn cốc áp dụng công nghệ của thế giới và của Formosa thì có khoảng 0,6 tấn nước thải. Như vậy 2.000 tấn cốc thải ra khoảng hơn 1.000m3 nước thải ô nhiễm. Như vậy mỗi một ngày có hơn chục tấn phenol thải ra.
GS.TS Mai Trọng Nhuận và các cộng sự nhấn mạnh với kết quả phân tích hiện nay chưa nên áp dụng can thiệp công nghệ để làm sạch trầm tích biển vì tài nguyên sinh vật có thể tái tạo được và thực tế tại các vùng biển có san hô bị tẩy trắng hiện cá đã xuất hiện trở lại và các tập đoàn san hô có dấu hiệu hồi phục. Các chuyên gia cũng cho rằng, để áp dụng công nghệ làm sạch trầm tích biển rất khó khăn và tốn kém. Các phương án trước mắt được các chuyên gia đưa ra là cần xây dựng chà, rạn để giúp các loài cá có chỗ sinh sản. Hoặc can thiệp giải pháp kỹ thuật như thả sinh vật như bào ngư để tái tạo san hô.
GS.TS Mai Trọng Nhuận khẳng định vùng biển Nghi Xuân nằm phía bắc Khu kinh tế Vũng Áng theo quy luật dòng chảy từ 10 nghìn năm trở lại đây ở tầng đáy mà dòng chảy ở tầng đáy mới lan tỏa, gây ô nhiễm thì nó chảy theo hướng từ Bắc vào Nam. “Vì thế chất độc từ Vũng Áng đi xuống khu vực Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế nên vùng biển Nghi Xuân an toàn và tắm được. Ngay cả khi có sự cố thì khu vực Nghi Xuân vẫn an toàn với khía cạnh môi trường”, GS.TS Mai Trọng Nhuận nói.
Ngọc Hoa

Thursday, August 25, 2016

Tình hình Biển Đông: Mỹ "nối giáo" cho Trung Quốc?

Tình hình Biển Đông ngày 26/8: Chính sách hiện thời của Mỹ trên Biển Đông chưa thể tạo ra những thay đổi lớn ở vùng biển chiến lược châu Á. Thậm chí còn giúp Trung Quốc chiếm ưu thế và mở rộng tầm ảnh hưởng sang khu vực Tây Thái Bình Dương.
Bình luận về tình hình Biển Đông ngày 26/8, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa trọng tài quốc tế phủ nhận chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông là ví dụ điển hình cho những giới hạn pháp lý của Tòa quốc tế. Ngay cả khi phần lớn các quốc gia lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa quốc tế song Trung Quốc vẫn tuyên bố không công nhận. Trong khi đó, hoạt đông tuần tra trên biển của Hải quân Mỹ cũng chưa thể tạo ra những thay đổi lớn trên Biển Đông. 
Ông Jonathan Holslag, tác giả cuốn sách “China’s Coming War with Asia” (tạm dịch: Trung Quốc sắp chiến tranh với châu Á”, còn cho rằng chính sách của Mỹ lại đang giúp Trung Quốc giành ưu thế và đẩy các quốc gia láng giềng vào cảnh bất an. Và trong bối cảnh sức mạnh của Mỹ đang bị co hẹp dần, Trung Quốc sẽ nhanh chóng giành quyền kiểm soát Biển Đông và tiếp tục chiếm thế thượng phong của Washington tại khu vực Tây Thái Bình Dương. 

Binh sĩ Hải quân Trung Quốc. 

Trung Quốc có nhiều lý do để mở rộng tầm ảnh hưởng và sức mạnh quân sự trên các vùng biển châu Á. Bắc Kinh cũng từng thừa nhận an ninh quốc gia này được đảm bảo một khi tầm ảnh hưởng trên biển được mở rộng.
Điều đáng nói sau phán quyết của Tòa trọng tài, phản ứng của cộng đồng quốc tế có phần bị giới hạn. Điều này khiến Bắc Kinh càng thêm tự tin. Ngay cả một số nước từng xuất hiện các đoàn biểu tình phản đối Trung Quốc, cũng tuyên bố tăng cường hợp tác với Bắc Kinh bên lề cuộc họp Á – Âu. Cụ thể, Indonesia chấp nhận dự án đầu tư trị giá 100 triệu USD của Trung Quốc. Singapore hợp tác sâu rộng hơn với Trung Quốc trong lĩnh vực ngân hàng và đường sắt cao tốc. Thậm chí, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng không thể đưa ra được tuyên bố chung của hội nghị liên quan tới các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã còn lớn tiếng tuyên bố hoạt động tuần tra trên không ở Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough sẽ được tăng cường sau khi Bắc Kinh xây dựng trái phép đường băng tại Đá Chữ Thập.
Nhiều nghi vấn cho rằng hoạt động tuần tra trên không của Trung Quốc sẽ là tiền đề để nước này đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhiều lần cảnh báo một số quốc gia như Nhật Bản không nên can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông. Còn tướng lĩnh Hải quân Trung Quốc tuyên bố các cuộc tuần tra dưới danh nghĩa đảm bảo quyền tự do hàng hải mà Mỹ tiến hành, có thể đối mặt với bi kịch.  
Ông Holslag nhận định hoạt động tuần tra trên không và trên biển của Mỹ sẽ không thể đe dọa tham vọng lâu dài của Trung Quốc và cũng chưa thể làm bùng phát một trận đối đầu trong tương lai gần. Ngoài ra, tình cảnh kinh tế bất ổn hiện nay cùng hành động can thiệp của Mỹ còn giúp giới lãnh đạo Trung Quốc thu hút sự ủng hộ lớn của người dân trong nước với danh nghĩa chống lại kẻ thù bên ngoài.
Sự xuất hiện của Mỹ trên Biển Đông đặt ra hai sự lựa chọn cho các nước trong khu vực. Một là nhận lấy sự bảo vệ từ Mỹ. Hai là ủng hộ Bắc Kinh bằng cách bán nguyên liệu thô cho nước này và mua hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc.
Đây cũng là cơ hội để Bắc Kinh điều động thêm các thiết bị quân sự hiện đại nhằm thay đổi cán cân sức mạnh. Trong tiến trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng, Trung Quốc đã đưa vào biên chế 30 chiếc tàu ngầm cả truyền thống lẫn hiện đại, 14 tàu khu trục, 22 kinh hạm và 26 tàu hộ tống cùng hệ thống vệ tinh, radar, tên lửa đạn đạo hỗ trợ. 
Việc trang bị hàng loạt hệ thống vũ khí mới cho thấy tham vọng bá chủ của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Biển Đông mà còn vươn xa sang Tây Thái Bình Dương để ngăn chặn các cuộc tấn công tầm xa từ lực lượng tàu ngầm và tàu sân bay của Mỹ vốn được đặt tại các cơ sở quân sự ở Nhật Bản và đảo Guam. Tuy nhiên, Washington cho rằng tham vọng của Trung Quốc là viễn tưởng trước sức mạnh của Hạm đội 7 của nước này. Còn hiện nay, mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc không chỉ là ngăn chặn Mỹ tiếp cận Biển Đông mà còn trở thành một “ông lớn” ở Thái Bình Dương. 
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tờ báo tiếng Anh đầu tiên của Hong Kong. Ấn bản đầu tiên của tờ báo này được phát hành vào ngày 6/11/1903.


Minh Thu (lược dịch)

Hà Nội: Quá tải bãi rác, 1.000 làng nghề xả thải ra sông

Đó là thông tin được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường.
Báo động ô nhiễm không khí, nước ngầm
Ngày 24/8, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường, báo cáo về tình hình môi trường trên địa bàn Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP mới đạt 98%, chất thải sinh hoạt đạt 95%, chất thải công nghiệp thông thường đạt 85%, chất thải xây dựng đạt 100% (tuy nhiên chất thải xây dựng thì 60% được đưa vào các bãi chôn lấp còn lại là lẫn vào trong xử lý với rác thải sinh hoạt).
Ngoài ra, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước ngầm trên địa bàn TP đều vượt tiêu chuẩn cho phép. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường.

Về xử lý nước thải trong các KCN, hiện TP đã xây dựng được 10/10 trạm xử lý nước thải tại các KCN. Tuy nhiên chất lượng xử lý nước thải KCN có lúc vẫn chưa đạt so với tiêu chuẩn. 

“Ô nhiễm tại các ao hồ và các hồ chứa nước trên địa bàn 2 xã Nam Sơn và Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) hiện nay đang ở mức báo động, các chỉ số về BOD, COD, Sắt, Măng-gan.. đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Nước thải của hơn 1.000 làng nghề và nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư đổ ra các sông Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ… hoàn toàn chưa được xử lý. TP đang từng bước khắc phục” – Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết.

Nước thải chưa qua xử lý đổ ra sông gây ô nhiễm nghiêm trọng (Ảnh minh họa, nguồn: báo TN&MT)

Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cho biết thêm, với chất thải rắn, thành phố được mở rộng và đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ vì thế khối lượng chất thải xây dựng ngày càng gia tăng gây nên tình trạng quá tải các bãi đổ thế thải xây dựng. Theo dự báo đến năm 2020 tổng lượng chất thải của toàn thành phố là 14.150 tấn/ngày đêm; đến năm 2030 là 18.900 tấn/ngày đêm và đến năm 2050 là 25.380 tấn/ngày đêm.
“Hiện nay, các bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung cấp Thành phố đã sắp đầy trong khi đó các bãi chôn lấp cấp huyện vẫn đang trong gia đoạn đầu tư xây dựng. Ô nhiễm môi trường không khí và ô nhiễm nước mặt, nước ngầm tại các khu vực chôn lấp chất thải rắn hiện đang có xu hướng gia tăng” – ông Nguyễn Đức Chung cho biết.
Thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng đó là do cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế; sự quan tâm, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan còn chưa đúng mức, chưa tạo được sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ các cấp. Việc lồng ghép vấn đề môi trường, bảo tồn thiên nhiên trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển trước đây chưa được chú trọng, thường xuyên dẫn đến ô nhiễm môi trường cục bộ một số nơi, đặc biệt là ô nhiễm do bụi. Ngoài ra, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, chồng chéo.
Trong khi đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên thiên nhiên nhiều cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa cao, chưa có ý thức chấp hành luật bảo vệ môi trường, luật tài nguyên nước, luật khoáng sản, không đầu tư xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm, ý thức bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học của người dân chưa cao. Đặc biệt, bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ TP đến quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn còn thiếu và yếu, thậm chí kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Giảm thiểu ô nhiễm bằng cách nào?
Trước những tồn tại này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, thời gian qua, công tác xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn luôn được TP hết sức quan tâm. 
Theo đó, thực hiện Quyết định 64 của Chính phủ, TP đã hoàn thành 25/25 cơ sở xử lý ô nhiễm môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ, xử lý 3/3 cơ sở ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng. TP cũng đã kiểm tra được 184 đơn vị gây ô nhiễm môi trường và khắc phục, xử lý hoàn toàn được 47 đơn vị.
Cùng với đó, TP đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn như: triển khai kêu gọi xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; đẩy mạnh tiến độ các dự án xử lý nước thải; bổ sung công suất dự án xử lý nước thải Hồ Tây; triển khai hợp tác với các công ty của Đức trong xử lý ô nhiễm ao hồ trên địa bàn TP theo công nghệ mới; rà soát và đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý nước thải tại các KCN; triển khai trồng cây xanh kết hợp với giải pháp cơ giới hóa thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác sinh hoạt và quản lý chặt chẽ xe chở vật liệu xây dựng để giảm ô nhiễm môi trường không khí; đẩy nhanh tiến độ lập dự án xử lý rác thải theo công nghệ đốt rác và phát điện; quy hoạch bổ sung các điểm xử lý rác thải trên địa bàn; xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ô nhiễm môi trường không khí; tăng cường thanh tra, kiểm tra ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất.

Khói bụi, ô nhiễm môi trường đang bủa vây người dân Thủ đô (ảnh minh họa)

Ngoài ra, nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 thay thế cho Nghị định 179 năm 2013 để các địa phương có căn cứ pháp lý xử lý các cơ sở vi phạm về môi trường.
“Bộ TN&MT cần khẩn trương ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể các định mức kinh tế kỹ thuật của ngành, định mức kinh phí cho hoạt động quản lý, quan trắc phân tích môi trường như: Đa dạng sinh học và an toàn sinh học; Quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chú trọng vào nội dung hướng dẫn để các địa phương thực hiện quan trắc, phân tích các chỉ tiêu quan trọng, bắt buộc đối với các cơ sở gây ô nhiễm vừa đảm bảo tiết kiệm kinh phí phân tích vừa đáp ứng được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường); 
Quy định trình tự, thủ tục đăng ký, kiểm kê khí thải công nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải công nghiệp, cấp giấy phép xả khí thải công nghiệp, xây dựng các cơ sở dữ liệu về khí thải công nghiệp; Quy định cụ thể hơn về điều kiện cần phải có khi tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động của môi trường, đặc biệt là yêu cầu về hồ sơ, tài liệu dự án đi kèm để xác định đủ điều kiện thẩm định đánh giá tác động của môi trường cho dự án. Đồng thời, Bộ TN&MT nghiên cứu thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành môi trường từ cấp trung ương đến cấp tỉnh/thành phố, cấp quận/huyện nhằm tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường” – ông Nguyễn Đức Chung kiến nghị.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị Bộ TN&MT rà soát giảm bớt các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, tăng cường phân cấp nhiều hơn nữa cho các địa phương để việc quản lý môi trường được thuận lợi hơn; Bộ Y tế, Công an, Xây dựng, GTVT tập trung đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải đạt quy chuẩn tại các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc đóng trên địa bàn TP. 
Ngoài ra, Chủ tịch TP Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ bổ sung ngân sách cho Hà Nội để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án đưa nước về sông Tích nhằm cải tạo nguồn nước và có cơ chế đặc thù cho Hà Nội được quyền phê duyệt đối với các dự án xử lý nước thải ra sông Nhuệ.
N. Huyền

Rơi máy bay quân sự tại Phú Yên, một học viên phi công đã hy sinh

Sáng nay 26/8, một máy bay huấn luyện quân sự đã rơi tại cánh đồng thuộc phường Phú Thạnh (Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).

Hiện trường vụ máy bay rơi ở Phú Yên

Trao đổi với PV Infonet, bà Hồ Thị Nguyên Thảo - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên xác nhận, có một chiếc máy bay quân sự rơi trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Vị trí chiếc máy bay rơi là ở trên một cánh đồng rộng, không gây thiệt hại về tài sản của người dân.
Tuy nhiên, vụ việc xảy ra khiến một học viên đã hi sinh là anh Phạm Đức Trung (22 tuổi) của Trung đoàn 910 (Trường Sỹ quan Không quân Việt Nam). 
Theo nguồn tin riêng của Infonet, anh Phạm Đức Trung quê ở Ninh Bình, hiện đang sống tại Nha Trang (Khánh Hòa).
Bà Hồ Thị Nguyên Thảo cho biết thêm, đến lúc này các cơ quan chức năng đã đến, phong tỏa hiện trường, đồng thời khẩn trương tìm kiếm cứu nạn.
Theo Đại tá Phạm Văn Đông, Phó Chính ủy Trường sĩ quan Không quân, máy bay gặp nạn là L39 mang số hiệu 8705 do cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 910 (đóng quân tại phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) điều khiển.
Tại hiện trường đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên đã trực tiếp chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng khẩn trương tiến hành các biện pháp cứu hộ, cứu nạn; đưa phi công đi cấp cứu.
Do vị trí máy bay bị nạn nằm sát Quốc lộ 1A nên lượng phương tiện qua lại rất đông, gây ách tắc hơn 2km. Lực lượng cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Phú Yên đang nỗ lực điều tiết giao thông.
Sau khi rơi máy bay tông vào lang can đường QL 1A và lao xuống ruộng lúa người dân.
L-39 là máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực đa tính năng do công ty Aero Vodochody (Tiệp Khắc, nay thuộc Cộng hòa Czech) sản xuất từ cuối những năm 1960.
L-39 cất cánh lần đầu ngày 4/11/1968, và được sử dụng như loại máy bay huấn luyện cơ bản tại Liên bang Xô viết, Cộng hòa Czech, và tất cả các nước thuộc Khối hiệp ước Warsaw (ngoại trừ Ba Lan) từ năm 1971 trở về sau.
Máy bay L-39 được trang bị 2 động cơ AI-25TL do Ukraine sản xuất, tốc độ bay tối đa đạt 980 km/h, tầm bay với lượng nhiên liệu cực đại là 1.750km, thời gian hoạt động 3 tiếng 50 phút, trần bay 11.000m.
Bên cạnh là một máy bay huấn luyện thì L-39 còn có khả năng chiến đấu với trang bị vũ khí lên tới 1.290 kg trên bốn mấu cứng bên ngoài, gồm: tên lửa không đối không (K-13), Súng máy 7,62 mm, bom rơi tự do và bom bầy, Rocket, thùng dầu phụ.

Wednesday, August 24, 2016

Tam đại cường quốc đồng thuận, Triều Tiên bị chỉ trích ghê gớm

Reuters đưa tin, hôm nay (24/8), ngay sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa từ tàu ngầm, Ngoại trưởng Ngoại giao ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã tổ chức họp báo chung kêu gọi Bình Nhưỡng dừng các hành động khiêu khích.
Cuộc họp báo chung của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida với những người đồng cấp bên phía Trung Quốc là ông Vương Nghị, và Hàn Quốc là ông Yun Byung-Se đã được tổ chức ở Tokyo, Nhật Bản. Cuộc họp diễn ra chỉ vài giờ sau khi tên lửa phóng từ tàu ngầm của Bình Nhưỡng rơi vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Nhật và bay khoảng 500km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.

Ngoại trưởng Ngoại giao ba nước Trung Quốc,Nhật Bản  và Hàn Quốc (từ trái sang) trong cuộc họp báo chung tại Tokyo, Nhật Bản hôm 24/8/2016.

Một quan chức quân đội Hàn Quốc nhận định, vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm này cho thấy công nghệ tên lửa của Triều Tiên đã tiến bộ. 500km là tầm phóng xa nhất mà tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên đạt được từ trước đến nay.
Tuyên bố của ba bên thúc giục Triều Tiên dừng các hành động khiêu khích và tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Việc Hàn – Trung – Nhật đặt sang một bên những khác biệt để tổ chức cuộc họp trên cho thấy mối lo ngại về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang ngày càng tăng.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói: "Chúng tôi chắc chắn sẽ thúc giục Triều Tiên dừng các hành động khiêu khích và tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
Ông Vương Nghị khẳng định, Trung Quốc phản đối chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và bất kỳ lời nói hay hành động nào gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Ông cho biết thêm, Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và tìm kiếm một nghị quyết thông qua đàm phán để duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là mối đe dọa lớn đối với an ninh Nhật Bản. Ông cũng hối thúc Triều Tiên kiềm chế những hành động khiêu khích.
Ông nói: “Đây là lần đầu tiên tên lửa của Triều Tiên rơi vào vùng nhận diện phòng không của Nhật Bản. Điều này đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Nhật Bản, và là hành động gây hại cho hòa bình và ổn định khu vực”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Reuters của Anh, một trong những hãng tin lớn nhất thế giới.
PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

Tin tặc Nga tấn công tờ New York Times?

Hôm 23/8, CNN dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên cho hay, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang tiến hành điều tra các vụ tấn công mạng nhằm vào nhiều phóng viên của tờ New York Times (Mỹ). Nghi phạm được cho là các tin tặc Nga.

Ảnh minh họa

Nguồn tin của CNN khẳng định, các nhà điều tra tin rằng tình báo Nga đứng đằng sau các cuộc tấn công trên. Theo họ, chúng là một phần trong chiến dịch tấn công quy mô lớn hơn, trong đó có nhằm vào các tổ chức của Đảng Dân chủ.
Trong khi đó, The New York Times và FBI chưa xác nhận về cuộc điều tra nêu trên.
Bà Eileen Murphy, Phát ngôn viên của The New York Times cho hay: "Giống như hầu hết các tổ chức tin tức khác, chúng tôi luôn cảnh giác, đề phòng những âm mưu tấn công vào các hệ thống của chúng tôi. Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp như hợp tác với các nhà điều tra bên ngoài và các cơ quan hành pháp. Chúng tôi xin không bình luận gì về những vụ tấn công cụ thể nhằm tìm cách tiếp cận bất hợp pháp các hệ thống mạng của New York Times".
New York Times cũng bác bỏ thông tin cho rằng hãng này đã mời các nhà điều tra an ninh mạng tư nhân để hỗ trợ điều tra.

Theo giới chức Mỹ, các tổ chức tin tức được cho là mục tiêu hàng đầu vì họ có thể sở hữu nhiều thông tin tình báo có giá trị. Ví dụ như thông tin liên hệ với các quan chức chính phủ cũng như những thông tin bí mật, nhạy cảm không được công bố.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.
PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

Tuesday, August 23, 2016

Mỹ cảnh báo sẵn sàng bắn hạ máy bay Nga, Syria

Mỹ đã cảnh báo chính quyền Syria rằng nước này sẵn sàng bắn hạ các máy bay Nga/Syria đe dọa lực lượng liên quân do Washington đứng đầu tại miền Bắc Syria.

Máy bay tiêm kích Su-34 của không quân Nga.

Mỹ sẵn sàng bảo vệ các nhóm sỹ quan huấn luyện, các nhóm đối lập và lực lượng đặc nhiệm của mình ở Syria khỏi các cuộc không kích của Lực lượng Không quân chính phủ Syria và Lực lượng không quân – vũ trụ Nga (VKS). Đồng thời cảnh báo rằng Mỹ sẵn sàng bắn hạ các máy bay đe dọa lực lượng liên quân do Washington đứng đầu tại miền Bắc Syria.
Tuyên bố trên được phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook đưa ra trong một buổi họp báo.
"Chúng tôi đã nói khá rõ ràng về việc chúng tôi sẽ làm gì trong trường hợp này. Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến cáo chính quyền Syria tránh xa những khu vực có đặc nhiệm và các đồng minh của Mỹ đồn trú. Chúng tôi sẽ bảo vệ những Lực lượng của chúng tôi trên mặt đất, và làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ họ", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook nói khi trả lời câu hỏi của báo giới về việc Mỹ có sẵn sàng bắn hạ các máy bay của Nga và Syria hay không, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu các máy bay của Lực lượng không quân – vũ trụ Nga và Syria “đe dọa các lực lượng của Mỹ”, Washington “luôn luôn có quyền tự vệ”.
Đại diện Lầu Năm Góc loại trừ khả năng thiết lập vùng cấm bay El Hasaka, nhưng kêu gọi chính quyền Syria thể hiện "trí tuệ" và "tránh những khu vực có lực lượng liên minh". Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ họ (lực lượng liên minh), và nếu cần thiết, sẽ gửi máy bay để bảo vệ lực lượng của mình", ông Cook cam kết.

"Đây không phải là một vùng cấm bay.... sẽ là khôn ngoan nếu chính quyền Syria tránh những khu vực hoạt động của lực lượng liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu", ông Cook nói.
Trước đó ngày 21/8, trong một động thái cảnh báo trực tiếp nhất từ trước tới nay nhằm vào Moscow và Damascus, tân Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Iraq và Syria, Trung tướng Stephen Townsend đã cam kết bảo vệ lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ ở miền Bắc Syria...

Tiêm kích Su-34 của Không quân Nga.

Tướng Townsend, người vừa tiếp quản vị trí trên, là chỉ huy quân sự cấp cao đầu tiên tuyên bố công khai rằng Mỹ có thể thách thức lực lượng Không quân Syria sau khi xảy ra vụ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad huy động máy bay tấn công một khu vực gần nơi lực lượng đặc nhiệm Mỹ triển khai để hỗ trợ các lực lượng của người Kurd - đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này.
Trong năm 2015, Mỹ đã gửi hàng chục biệt kích đến miền bắc Syria để hỗ trợ huấn luyện các nhóm vũ trang (đối lập) trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo IS. Ngoài ra, Mỹ cũng cung cấp cho các các đồng minh đạn dược….
Kể từ tháng 8/2014, Liên minh quốc tế gồm 65 quốc gia do Hoa Kỳ dẫn đầu tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của quân khủng bố tại Iraq.
Một tháng sau đó Liên quân này bắt đầu các cuộc không kích vào vị trí của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS trên lãnh thổ Syria.
Ngày 30/9/2015, Lực lượng Không quân – Vũ trụ Nga theo đề nghị của chính phủ Syria đã tiến hành không kích Nhà nước Hồi giáo IS nhằm hỗ trợ Damascus trong cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia Trung Đông này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn từ tờ Lenta.
Đức Dũng (Lược dịch)